Âm nhạc và ca từ Father of the Bride (album)

Father of the Bride là album kép thuộc thể loại pop[12][13][14]indie rock[15][16] với nhiều ảnh hưởng sâu sắc cả về ca từ lẫn âm nhạc của các dòng nhạc khác. Album mang âm hưởng mùa xuân trong khi vẫn giữ được chiều sâu mang tính "bách khoa".[17] Album khám phá một thế giới âm nhạc rộng lớn hơn so với các sản phẩm trước đó của ban nhạc, với phần âm nhạc mang màu sắc ấm áp dễ chịu tương phản với phần ca từ nặng nề và u ám. Xuyên suốt album, các phong cách âm nhạc chủ chốt bao gồm R&B, soul, đồng quê, folk, rock, art popbaroque pop.[18][19][20] Sự đa dạng trong phong cách âm nhạc của album kép này đã được so sánh với Album trắng (1968) của The Beatles,[13][21] mặc dù Koenig cho rằng album giống với các album kép có chủ đề cố kết hơn như The River (1980) của Bruce Springteen và Aguaplano (1987) của Paolo Conte.[8][22] Sự lỏng lẻo trong phong cách của album đã được so sánh với các ban nhạc jam như Grateful Dead[21]Phish.[23] Father of the Bride cũng được mô tả là mang phong cách của nước Mỹ nhiều hơn so với các tác phẩm trước đó của nhóm nhạc. Trong album, giọng hát và lối chơi ghi-ta của Koenig đều thay đổi cho phù hợp với việc sử dụng twang theo kiểu dân ca Mỹ,[24] còn các ca khúc đều lấy ý tưởng từ Great American Songbook.[13]

Với cảm hứng từ ca sĩ nhạc đồng quê người Mỹ Kacey Musgraves, lời ca trong album được bộc lộ một cách thẳng thắn và chân thật hơn so với các sáng tác trước đó của Koenig.[18] Album đi sâu vào nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm tuổi trẻ đã qua, những xung đột chính trị, sự bấp bênh, tận thế, sự tự mãn, chủ nghĩa môi trường, chủ nghĩa hiện sinh, và cuối cùng là chủ đề về sự cứu rỗi và hồi sinh.[13][23][25][26][27] Hình tượng cuốn kinh thánh thường xuyên xuất hiện trong album, trong khi đám cưới và nhà thờ lại xuất hiện trở đi trở lại như một hình mẫu của tình yêu.[14] Koenig cho rằng ca từ trong album có tính cố kết hơn các tác phẩm trước đó, với phát biểu rằng: "những thể loại, có lẽ vậy, và những lời ám chỉ [đều] xuất hiện ở khắp mọi nơi nhưng tôi thực sự nghĩ rằng về mặt ca từ, đây là một trong số những album có tính thống nhất cao nhất [của Vampire Weekend]".[8]

Các bài hát

Đĩa đơn mở đường "Harmony Hall" mang ảnh hưởng của cả nhạc raveâm nhạc thời kỳ Baroque.

Ca khúc "This Life" có thêm một câu hát do rapper iLoveMakonnen thể hiện. Âm nhạc phấn khởi trong ca khúc đã được so sánh với "Brown Eyed Girl" của Van Morrison.

Ca khúc mang phong cách psychedelic "Sunflower" có sự tham gia hợp tác của Steve Lacy và chịu ảnh hưởng của các ban nhạc jam như Phish.

Trục trặc khi nghe các tập tin âm thanh này? Xem hướng dẫn.

"Hold You Now" được The Times mô tả là "một bản dân ca tuyệt vời mở đầu [cho album]". Ca khúc sử dụng một đoạn nhạc lấy mẫu từ phần biểu diễn của dàn hợp xướng trong nhạc phim của bộ phim The Thin Red Line của Hans Zimmer.[28] Đây là ca khúc đầu tiên trong số ba ca khúc hợp tác với nữ ca sĩ Danielle Haim trong album. Trong bài hát, Koenig và Haim trình bày những ca từ mộc mạc về việc nắm lấy khoảnh khắc quan trọng trong một mối quan hệ.[18] Koenig mô tả những ca khúc hợp tác với Haim là "những bài hát được kỳ vọng sẽ thành công" của album, với cảm hứng từ những bản song ca nhạc đồng quê của Conway TwittyLoretta Lynn.[8][29] Anh lựa chọn sử dụng những đoạn hát rải rác và chơi ghi-ta acoustic để mở màn cho album, vì anh nghĩ rằng đây "là một cách kỳ lạ để mở đầu một bản thu âm của Vampire Weekend".[8] Ca khúc "Harmony Hall" có âm nhạc ấm áp và vui tươi với sắc thái của "mùa xuân". Phần âm nhạc của ca khúc đã được so sánh với "Touch of Grey" (1987) của Grateful Dead. Ảnh hưởng từ các dòng nhạc rave, baggyMadchester của Anh Quốc trong thập niên 1990, chẳng hạn như phong cách âm nhạc trong ca khúc "Unbelievable" của EMF, được thể hiện rõ nét trong tiếng piano và phần beat của "Harmony Hall". Trong khi đó, các yếu tố của nhạc Baroque cũng xuất hiện trong đoạn bridge của ca khúc.[30][31][32] Bài hát có phần âm nhạc "phấn khởi" tương phản với phần ca từ u ám, và được chèn thêm câu hát "I don't wanna live like this, but I don't wanna die" (tạm dịch: Tôi không muốn sống như thế này, nhưng tôi [cũng] không muốn chết) của ca khúc "Finger Back" trong album trước đó của ban nhạc, Modern Vampires of the City (2013).[33][34] "Bambina" là một bài hát ngắn gọn, mang âm hưởng của nhiều thể loại khác nhau và sử dụng bộ mã hóa và giải mã tiếng nói cùng những tiếng ghi-ta "giòn tan".[35][36] Ca khúc "This Life" có phần âm nhạc vui tuơi phấn khởi cùng những tiếng vỗ tay và tiếng ghi-ta sống động. Về mặt ca từ, ca khúc thể hiện "sự bấp bênh trong tâm hồn" và sự thiếu nghiêm túc. Koenig cũng thêm vào ca khúc câu hát "You’ve been cheating on, cheating on me / I’ve been cheating on, cheating on you" (tạm dịch: Em [vẫn luôn] lừa dối, lừa dối tôi / Tôi [vẫn luôn] lừa dối, lừa dối em) trong bài "Tonight" của rapper người Mỹ iLoveMakonnen.[37] Phần âm nhạc của "This Life" đã được so sánh với ca khúc "Brown Eyed Girl" (1967) của Van Morrison.[17][37] Bài hát "Big Blue" bộc lộ sự không chắc chắn về tôn giáo và vũ trụ theo một cách mơ hồ. Ca khúc ngắn gọn này có giai điệu năng động và sử dụng những hợp âm rải mang phong cách ambient, cùng lác đác một số đoạn trống được lấy mẫu, những đoạn hòa âm "hoa mỹ", một dàn hợp xướng và những tiếng luyến láy ghi-ta có cao độ ngẫu nhiên.[23][38] Phần nhạc nền với phong cách điện tử xuất hiện rải rác trong "Big Blue" đã được so sánh với âm nhạc trong album 808s & Heartbreak (2008) của Kanye West, còn phong cách ghi-ta "rủ xuống" trong ca khúc được so sánh với các tác phẩm của George Harrison.[18]

"How Long?" là một ca khúc art pop "loạng choạng" với những tiếng bàn phím, hiệu ứng âm thanh, những giai điệu hòa âm và tiếng ghi-ta vui vẻ mang âm hưởng của nhạc funk. Tương phản với giai điệu vui tươi của ca khúc là phần ca từ buồn thảm nói về sự sụp đổ tiềm tàng của thành phố Los Angeles.[12][18][39] Trong quá trình sáng tác bài hát, Koenig chịu ảnh hưởng của cả nhạc hip hop và nhạc alternative rock của thập niên 1990.[8] "Unbearably White" là một bài hát art pop "nhiều màu sắc" và kết hợp nhiều âm thanh khác nhau như: phần giọng hát được tách riêng, tiếng chuông lắc tay, tiếng ghi-ta bass có hơi hướm jazz fusion cùng những đoạn dội lên của dàn nhạc. Về mặt ca từ, ca khúc nói về một mối quan hệ đang lâm vào sự suy yếu.[12][40][41] Mặc dù tựa đề của "Unbearably White" nói bóng gió đến những chỉ trích dành cho nhóm nhạc, nội dung chính của bài hát lại không liên quan đến vấn đề chủng tộc.[17][40] Ca khúc khó hiểu "Rich Man" lấy mẫu những đoạn chơi ghi-ta của nghệ sĩ ghi-ta nhạc palm-wine S. E. Rogie[26] và sử dụng những âm thanh "lộng lẫy" của đàn dây. Trong ca khúc, Koenig "hát lâm râm" về sự lãng mạn, sự giàu có và những mối quan hệ.[42] Koenig bắt đầu sáng tác ca khúc tại lễ trao giải Grammy lần thứ 56, nơi nhóm nhạc đã giành giải Album nhạc alternative xuất sắc nhất với tác phẩm Modern Vampires of the City.[8] "Married in a Gold Rush" là một bài hát nhạc đồng quê "lộng lẫy" và cũng là ca khúc thứ hai có sự góp giọng của Danielle Haim trong album.[28]

"My Mistake" là một bài hát bày tỏ sự hối tiếc và gợi lên những cảm xúc buồn bã. Ca khúc kết hợp các yếu tố của nhạc jazz, nhạc phòng chờnhạc thể nghiệm, cũng như sử dụng những đoạn âm thanh mẫu "lõng bõng" được thu âm trên các cánh đồng.[14][20][23] "Sympathy" là một ca khúc thuộc thể loại freak folk[43]flamenco, với những ảnh hưởng từ dòng nhạc Schaffel techno,[24] nhạc rave[36] và từ ban nhạc rock người Anh New Order.[12] Ca khúc được mô tả là "một trong những ca khúc điên khùng nhất của nhóm nhạc tính đến thời điểm hiện tại",[44] còn Koenig lại đánh giá bài hát là "ca khúc mang đậm phong cách metal nhất của Vampire Weekend".[8] "Sunflower" là một ca khúc có phong cách không chính thống và thuộc thể loại psychedelic. Ca khúc mở đầu bằng sự hòa quyện của tiếng ghi-ta, tiếng bass và tiếng hát theo lối scat của nhạc jazz, và gợi nhớ đến âm thanh của nhạc progressive rock. Trong phần điệp khúc, bài hát chuyển sang sử dụng những giai điệu ấm áp của dòng nhạc soul-pop. "Sunflower" có phần lời ca mang ý nghĩa trừu tượng và phần âm nhạc mang định hướng của âm nhạc thập niên 1970.[45][46] Koenig đã so sánh ca khúc với âm nhạc của ban nhạc Phish.[8] Ca khúc có sự tham gia hợp tác của ca sĩ kiêm nghệ sĩ ghi-ta Steve Lacy của ban nhạc The Internet. Lecy cũng đóng góp vào quá trình thực hiện "Flower Moon",[47] bài hát nằm trong cùng một bộ với "Sunflower". "Flower Moon" được mô tả là một bài hát thờ được chỉnh sửa bằng auto-tune, với phong cách tương tự như nhóm nhạc The Beach Boys và có phần âm nhạc mang âm hưởng của vùng Soweto.[12] "2021" là một bản ballad tối giản và lãng mạn.[48] Bài hát được sáng tác dựa trên một đoạn nhạc mẫu từ ca khúc "Talking",[1] một bản nhạc thuộc thể loại ambient và được Haruomi Hosono biên soạn cho công ty bán lẻ Muji của Nhật Bản trong thập niên 1980. "2021" sử dụng những âm thanh của một chiếc synthesizer có nhịp đập nhẹ nhàng, những tiếng gảy đàn ghi-ta và một từ "boy" vốn do Jenny Lewis hát nhưng bị bóp méo.[48][49][50]

"We Belong Together" là một bản nhạc vui tươi, hào hứng và mang tính cường điệu. Đây cũng là bài hát cuối cùng trong số ba bản song ca với Haim.[28] Ca khúc đã được so sánh với bài hát "Mull of Kintyre" (1977) của Wings và các tác phẩm do Kanye West sản xuất.[12] "We Belong Together" kết hợp một bản demo ở giai đoạn đầu do Koenig và Rostam Batmanglij thu âm tại Martha's Vineyard vào tháng 4 năm 2012, cùng với một ý tưởng riêng do Koenig sáng tác trên đàn piano.[51] Koenig nhận xét ca khúc có tiềm năng trở thành bài hát "lành mạnh" nhất của ban nhạc.[8] "Stranger" là một ca khúc nói về cuộc sống gia đình.[35] Phần âm nhạc của bài hát có nhịp điệu thư thái kết hợp cùng những tiếng saxophone.[19] Câu hát "things have never been stranger; things are gonna stay strange" (tạm dịch: mọi thứ chưa bao giờ [trở nên] xa lạ hơn [thế này]; mọi thứ vẫn sẽ [tỏ ra] xa lạ) trong ca khúc đã được nhiều tạp chí nhấn mạnh là một câu nói ngắn gọn mà bao trùm toàn bộ thông điệp cốt lõi của album.[26][52][53] Koenig cho biết ca khúc nói về việc "khi bạn đang ở trong một ngôi nhà và bạn thấy mọi người đang vui vẻ với nhau[,] và bạn không hề thấy lạc lõng chút nào vì bạn cảm giác như mình đã thuộc về nơi này vậy".[8] Đoạn kể chuyện ở giữa ca khúc "Spring Snow" là một lời tạm biệt đầy than khóc gửi đến nhân vật người tình, vẽ nên một khung cảnh gồm những tia nắng chói chang và tuyết rơi dày đặc trên nền nhạc chamber pop với nhịp điệu của nhạc Latin.[54][55][56] "Jerusalem, New York, Berlin" là ca khúc "buồn bã" khép lại album và có nội dung ám chỉ tới Tuyên bố Balfour.[28] Phần âm nhạc của ca khúc đã được so sánh với các tác phẩm của nhạc sĩ nhạc điện tử người Scotland Sophie.[39] Koenig lựa chọn tên của ba thành phố trong tựa đề ca khúc do tầm quan trọng của chúng với cộng đồng người Do Thái, cũng như để bày tỏ "sự vật lộn để tìm ra bản sắc riêng biệt". Anh cũng tìm ra ý nghĩa tượng trưng của ba thành phố này trên bình diện rộng lớn hơn, trong đó Jerusalem biểu thị cho tôn giáo, New York đại diện cho tiền bạc và Berlin biểu thị cho văn hóa.[57]

Phiên bản phát hành tại Nhật Bản của album có thêm hai bài hát: "Houston Dubai" và "Lord Ullin's Daughter". "Houston Dubai" là một bản hát lại ca khúc "I Don't Think Much About Her No More" (1969) của Mickey Newbury, còn "Lord Ullin's Daughter" lại có sự tham gia đóng góp của diễn viên người Anh Jude Law. Trong ca khúc, Law đọc lại bài thơ cùng tên của nhà thơ người Scotland Thomas Campbell trên nền nhạc đã được tách lời của bài hát "Big Blue".[58]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Father of the Bride (album) http://exclaim.ca/music/article/vampire_weekend-fa... http://www.allmusic.com/artist/father-of-the-bride... http://www.anydecentmusic.com/review/9869/Vampire-... http://www.brooklynvegan.com/141-best-albums-of-th... http://www.brooklynvegan.com/brooklynvegans-top-50... http://buddyross.com/#works http://www.discogs.com/master/1542039 http://ew.com/music/2017/12/11/vampire-weekend-new... http://floodmagazine.com/71913/the-best-albums-of-... http://www.spin.com/2016/01/rostam-batmanglij-vamp...